Lịch sử Phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội

Tên phố

Xưa kia, địa bàn của phố Nguyễn Khuyến thuộc thôn Văn Mặc và Thanh Ngô (tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương) của Hà Nội. Tới giữa thế kỉ 19, thôn Văn Mặc được đổi thành thôn Văn Tân, còn tổng Hữu Nghiêm cũng đã đổi ra là thôn An Hòa.

Sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp thành lập Uỷ ban thành phố, quyết tâm biến Hà Nội thành một thành phố châu Âu. Việc đầu tiên mà họ làm làm quy hoạch chi tiết địa giới Hà Nội. Ngày 14/9/1888, quyền Tổng trú sứ Parreau đã ban hành nghị định về phân định ranh giới Hà Nội, theo đó, một trong những đường ranh giới chính là đường Phủ Thanh Oai, tức là phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám, một phần phố Tôn Đức Thắng và khu phố Sinh Từ.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là đường Sinh Từ (route de Sinh-tu) do ở trong phố Lý Thường Kiệt (mà dân gian quen gọi là ngõ Hàng Đũa, nay là phố Ngô Sĩ Liên) có sinh từ (xây năm 1883) của viên Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ. Cái tên Sinh Từ cũng ra đời vào thời điểm đó. Nó được chính thức đặt cho phố từ năm 1888, khiến cho đường Sinh Từ trở thành một trong những đường phố được chính thức đặt tên đầu tiên của Hà Nội. Trong nghị định số 32 vào tháng 4 năm 1890, chính quyền thực dân đã ấn định rõ chiều dài của đường Sinh Từ là 540m, chiều rộng là 8m. Chiều rộng của vỉa hè mỗi bên là 3m. Như vậy, tổng chiều rộng là của đường là 14m.

Các bản đồ Hà Nội vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 cho thấy phố Sinh Từ đã được hình thành như hiện nay. Thêm vào đó, trên một số bưu ảnh của Pháp hồi đầu thế kỉ 20 có chụp hình ảnh cổng chính của Văn Miếu kèm theo chú thích "đường Sinh Từ" (route de Sinh Tu). Như vậy, có thể hình dung rằng phố Sinh Từ (hay đường Sinh Từ) vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 là dùng để chỉ một không gian rộng hơn, không chỉ bao gồm phố Nguyễn Khuyến mà còn cả phố Quốc Tử Giám và phố Văn Miếu ngày nay. Sau khi các phố này được quy hoạch và xây dựng hoàn thiện hơn vào thập niên 1920 thì chúng mới được đặt theo các tên mới riêng biệt: Phố Quốc Tử Giám là đường 238 (voie 238), phố Văn Miếu là phố Cao Đắc Minh, phố Ngô Tất Tố là ngõ 251 (sau Cách mạng là ngõ Trạng Bùng, thời tạm chiếm được đổi thành ngõ 226). Còn đường Sinh Từ là phố Nguyễn Khuyến hiện nay.

Theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 11 tháng 2 năm 1927, đường Sinh Từ nằm trong tiểu khu Sinh Từ (quartier de Sinh-tu), dài 470m, có chiều rộng mặt đường là 10m. Chiều rộng của vỉa hè mỗi bên là 5m. Như vậy, tổng chiều rộng là của đường là 20m.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, tên Sinh Từ bị xóa bỏ. Theo tờ trình về việc đặt tên phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trần Duy Hưng ký ngày 1 tháng 12 năm 1945, phố Sinh Từ được đổi thành phố Bùi Huy Bích.

Chùa Bà Ngô tại số 128 phố Nguyễn Khuyến

Trong thời tạm chiếm, cái tên Sinh Từ được dùng trở lại kể từ năm 1949 và được chính thức phê chuẩn năm 1951 theo nghị định của Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín. Tên phố Nguyễn Khuyến như hiện nay được chính quyền Hà Nội đặt vào tháng 6 năm 1964.

Sự kiện

Ngày 11 tháng 10 năm 1930, tại phố Sinh Từ đã có một cuộc diễn thuyết lớn do Đội tuyên truyền của Thành ủy Hà Nội tổ chức. Vào lúc 11 giờ, khi công nhân tan tầm và học sinh tan học, Đội đã giương cao ngọn cờ búa liềm để thu hút mọi người sau đó kêu gọi nhân dân Hà Nội đẩy mạnh phong trào đấu tranh để phối hợp với Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Các đội viên làm nhiệm vụ bảo vệ tung ra những tờ truyền đơn in đậm dòng khẩu hiệu: "Không được đụng đến công - nông Nghệ Tĩnh". Thực dân Pháp đã phải cho lính đến đàn áp.[1]

Ngày 21 tháng 6 năm 1939, đến lượt công nhân nhà máy in Minh Sang, một trong những cơ sở in đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội, do người Hoa làm chủ, ở số nhà 101A (nay là công ty in Khoa học kĩ thuật) tổ chức đình công với yêu sách đòi tăng lương. Chủ cơ sở in sau đó đã phải nhượng bộ[2].

Năm 1946, trong đêm giao thừa độc lập đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến phố Sinh Từ và ngõ Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sĩ Liên) để chúc Tết một số gia đình lao động nghèo của Thủ đô.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/stor... http://www.baotanghochiminh.vn/Chitiet/Chitiettint... http://www.hanoimoi.com.vn/vn/53/21107/ http://thanglonghanoi.gov.vn/channel/25/2011/08/77... http://thanglong.ictnews.vn/39863p1c32/co-ai-con-n... http://hanoi.org.vn/wiki/index.php/Th%C4%83ng_Long... http://www.thientam.vn/index.php?nv=News&at=articl... https://web.archive.org/web/20081211194443/http://... https://web.archive.org/web/20100612141929/http://... https://web.archive.org/web/20120418222652/http://...